Bối cảnh lịch sử và nhân vật khởi xướng Kỳ tích sông Hán

Khi Tướng Park Chung Hee lên nắm quyền vào năm 1961, Hàn Quốc khi ấy đã có một mức thu nhập bình quân đầu người ít hơn 80 USD mỗi năm. Trong thời gian đó, kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào viện trợ nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ để đổi lấy sự tham gia của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam.[4][5] Phong trào Saemaeul (còn gọi là Phong trào cộng đồng cư dân mới) của chính phủ tập trung vào phát triển các vùng nông thôn Hàn Quốc. Đội ngũ những nhà lãnh đạo quyết đoán kết hợp với các kế sách mạnh mẽ của chính phủ (mặc dù bị chỉ trích là áp đặt nặng tay và phản dân chủ) cùng với hiệu quả của lao động giá rẻ, đã phục vụ như là một chất xúc tác cho nền kinh tế Hàn Quốc sau này.

Tổng thống thứ ba của Hàn Quốc Park Chung Hee – là người có công rất lớn đối với 'Kỳ tích sông Hán'.

Trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ, Seoul đã trở thành một thành phố toàn cầu, một trung tâm kinh doanh và thương mại lớn ở Đông Bắc Á và đồng thời cũng là một trong những trung tâm kinh tế phát triển cao trên thế giới, tạo nền móng cho các cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ cao cùng thông tin liên lạc tiên tiến. Hàn Quốc luôn coi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bền vững này là biểu tượng của niềm tự hào quốc gia, của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự lập. Bên cạnh phong trào Saemaeul, chính phủ Hàn Quốc còn thực hiện thêm một kế hoạch phát triển kinh tế táo bạo và hiệu quả khác được gọi là Kế hoạch 5 năm - dựa trên kinh nghiệm từ Kế hoạch 5 năm kiểu Liên Xô - vốn đã rất thành công trước đây. Có hơn 5 Kế hoạch 5 năm được tạo ra, và tất cả chúng đều được thiết kế để sao cho tối ưu nhất với tính chất cùng đặc điểm của kinh tế đất nước cũng như vực dậy năng suất lao động của mỗi người dân. Mỗi kế hoạch trong số đó đã góp phần lớn vào quá trình công nghiệp hóa và mở rộng hoạt động thương mại ra các thị trường nước ngoài đồng thời nâng cao giá trị của hàng hóa mang thương hiệu Hàn Quốc trên trường quốc tế.[3]